Hoạt động nghiên cứu khoa học và phục vụ nghiên cứu khoa học kỹ thuật - Khoa học xã hội nhân văn của Thư viện tỉnh Nam Định

1. Khởi đầu sự nghiệp

Năm 1956 thư viện Nam Định thành lập từ Phòng đọc sách của Ty Tuyên truyền Thành phố Nam Định hợp nhất với tủ sách của cơ quan căn cứ tỉnh từ Xuân Trường chuyển về. Trụ sở đặt tại số nhà 13 (nay là 100) phố Lê Hồng Phong  Thành phố Nam Định.

Khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ tiến lên xã hội chủ nghĩa, giặc Mỹ đã leo thang chiến tranh bắn phá miền Bắc. Lúc đó Nam Định hợp nhất với Hà Nam (1965) thành tỉnh Nam Hà. Thư viện Nam Hà phải sơ tán về nông thôn. Địa điểm phục vụ không có phải nhờ vào dân, mượn mái đình, mái chùa làm trụ sở. Cán bộ thư viện đã vượt qua mọi khó khăn để xây dựng phong trào đọc sách: "Người tốt việc tốt". Tuyên truyền vận động  bà con đọc sách khoa học kỹ thuật nông nghiệp thường thức. Năm 1972 thư viện trở về thành phố khi giặc Mỹ buộc phải ngừng ném bom. Cả miền Bắc dồn sức người sức của cho cách mạng giải phóng miền Nam. Thư viện cũng như các cơ quan khác chưa được xây cất, sửa sang. Năm 1975 đất nước thống nhất, nhưng chúng ta lại phải đối phó với chiến tranh ở Biên giới Tây Nam và Biên giới phía Bắc (1979). Trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, thư viện vẫn luôn duy trì mọi hoạt động. Phục vụ đọc sách báo là nhằm trang bị thêm kiến thức cho mọi tầng lớp cư dân. Một việc làm không thể thiếu trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Đó là đòi hỏi cấp thiết trong đời sống. Đảng và nhà nước đã có chủ trương xây dựng các thư viện tỉnh thành thư viện khoa học tổng hợp. Đây là tiền đề cho các hoạt động khoa học của thư viện.

Năm 1976 Nam Hà hợp nhất với Ninh Bình thành Hà Nam Ninh. Thư viện tỉnh được tăng người, tăng biên chế. Nhưng cơ sở vật chất kỹ thuật không được thay đổi. chỉ có màng lưới thư viện xã, huyện thì trải rộng hơn, cán bộ phong trào càng phải bươn trải hơn.

2- Thư viện tỉnh thành lập Phòng Ngoại văn để từng bước tiến lên khoa học.

Việc phục vụ nghiên cứu khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội nhân văn dần được hình thành ở thư viện. Xây dựng phòng Ngoại văn là tiến quân vào nghiên cứu khoa học. Thành lập Phòng Ngọai văn, nhưng thư viện không có cán bộ biết ngoại ngữ. Tỉnh cho thư viện hợp đồng với một sinh viên Nga văn vừa ra trường. Anh Hùng học sư phạm Nga văn, nhưng không có nghiệp vụ thư viện. Anh chỉ dịch tên sách tiềng Nga ra tiếng Việt cho thư viện. Vì mới ra trường còn nhiều lúng túng. Cơ quan để anh tra từ điển, dịch tên sách Nga rồi lấy bút chì ghi tên tiếng Việt ngay ở trang tên sách. Sách được dịch tên rồi để chồng chất qua mấy tháng, khi hỏi đến lại không tìm được sách. Năm 1977, thư viện nhận được biên chế mới. Đồng chí Chương vừa tốt nghiệp khoa Thư viện Đại học Văn hóa Liên Xô về nước. Được trao đổi về nghiệp vụ thư viện, anh Hùng cảm thấy mình không phù hợp nên đã xin chuyển đi nơi khác. Kho sách ở Phòng Ngoại văn là do Thư viện Quốc Gia tài trợ và sách tiếng Nga của tủ sách Khoa học kỹ thuật Ban Khoa học kỹ thuật tỉnh chuyển cho thư viện nên có những bất cập. Thư viện tỉnh phải lo bổ sung sách mới. Muốn thế phải liên hệ với XUNHASABA, thường xuyên đi Hà Nội, Hải Phòng tìm mua sách ngoại văn, vì Nam Định không có cửa hàng sách ngoại văn. Có như thế kho sách ngoại văn mới có chất lượng. Thủ thư phòng Ngoại văn phải đọc và tìm hiểu kỹ nội dung từng cuốn sách qua bản giới thiệu sách ấÍẩÃẩ (Knhighi) để tránh lãng phí và tăng hiệu quả khi đặt mua sách mới. Cán bộ ngoại văn phải điều tra nhu cầu đọc sách ngoại của bạn đọc. Khi tìm hiểu các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp thấy ở Nam Định người đọc có nhu cầu về sách khoa học kỹ thuật tiếng Nga khá cao. Họ là những cán bộ chủ chốt trong các đơn vị, cơ quan của tỉnh. Một số cán bộ cao tuổi lại muốn đọc sách văn học và xã hội tiếng Pháp. Từ đó thư viện quyết định tổ chức kho ngoại văn theo ngôn ngữ thành ba nhóm:1. Gốc Latinh, 2. Gốc Slavơ, 3. Hán ngữ.

Thực tế nghiên cứu cho thấy số cán bộ khoa học kỹ thuật được học ở Đại học Bách khoa Hà Nội có khả năng sử dụng tốt sách khoa học kỹ thuật tiếng Nga. Số cán bộ khoa học được đào tạo ở Liên Xô về càng cần đọc sách khoa học kỹ thuật tiếng Nga. Họ là những kỹ sư ở Ban Thiết kế Sở Công nghiệp, ở tổ Tiến bộ khoa học kỹ thuật nhà máy liên hợp Dệt, ở Nhà máy cơ khí Nam Hà, rồi ở các trường như trường Sư phạm dạy nghề 2. Qua phục vụ, thư viện thấy thiết yếu nhất với bạn đọc là những cuốn cẩm nang kỹ thuật các ngành từ động cơ đến vật liệu, từ cơ khí máy móc đến dầu mỡ bôi trơn, rồi ô tô, máy kéo... Được thư viện phục vụ sách khoa học kỹ thuật đúng ngành nghề, bạn đọc vô cùng phấn khởi.

Nghiên cứu phục vụ bạn đọc sách ngoại văn không dừng lại tại trụ sở thư viện. Thư viện còn tích cực giúp công ty Phát hành sách Hà Nam Ninh liên hệ với Đại sứ quán Liên Xô và XUNHASABA tổ chức triển lãm sách tiếng Nga. Năm 1980 sách tiếng Nga lần đầu được triển lãm tại thành phố Nam Định. Triển lãm thu hút thêm nhiều người đến với sách khoa học kỹ thuật tiếng Nga. Sau triển lãm sách khoa học kỹ thuật tiếng Nga được chuyển về thư viện tỉnh để phục vụ bạn đọc. Nhờ có sách khoa học kỹ thuật mà nhiều kỹ sư đã tìm được những giải pháp kỹ thuật hay, có giá trị.

3. Thư viện mở rộng hoạt động trên địa bàn nhờ nghiên cứu khoa học.

Phòng ngoại văn hoạt động có hiệu quả nên có những đơn vị đã tìm đến thư viện. Đặc biệt là trường Sư phạm dạy nghề 2 (Nay là Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định) muốn được thư viện tỉnh giúp đỡ. Thư viện nhà trường có 15.000 bản sách, tài liệu, trong đó gần 5000 bản sách khoa học kỹ thuật tiếng Nga. Do không có nghiệp vụ thư viện nên việc sắp xếp và tìm tài liệu ở thư viện nhà trường rất khó khăn. Đồng chí hiệu trưởng cho biết: Hồi đầu năm học, gặp cuốn sách kỹ thuật hàn điện rất hay ở cửa hàng ngoại văn Hà Nội, đã mua 3 bản về giao cho thư viện. Nay không biết ở chỗ nào, tìm mãi chưa ra... Trường lại nhận kế hoạch đón chuyên gia Liên Xô sang làm cố vấn, nên rất cần tổ chức lại thư viện. Ban Giám hiệu không chỉ muốn thư viện tỉnh giúp lập kế hoạch xây dựng lại thư viện, mà mong thư viện tỉnh ký hợp đồng để tổ chức thư viện cho nhà trường. Sau khi khảo sát nghiên cứu kỹ, thư viện tỉnh đã đưa ra kế hoạch tổ chức thư viện cho trường rất cụ thể: Từ phân loại sách, tài liệu, đến mô tả ấn phẩm. Từ xếp kho đến tổ chức mục lục... Rồi tất cả những vật dùng như phích trắng, bút chì, thước kẻ, bút mực đến quy chế cho thư viện hoạt động... Tất cả đều được tính đến, với 900 ngày công lao động kỹ thuật. Người không làm công tác thư viện, không hình dung được thì cho rằng quá nhiều công. Người có nghiệp vụ thư viện lại cho rằng 900 công không thể làm hết các hạng mục theo yêu cầu mà nhà trường đặt ra. Đây là sự nghiên cứu, tính toán kết hợp nhiều công đoạn để tổ chức lao động khoa học thư viện. Sau 3 tháng, thư viện hoàn thành hợp đồng đã ký. Nhà trường rất vui khi nhận bàn giao. Ban Giám hiệu trường quyết định tặng quà đáng giá cho cả 20 cán bộ thư viện tỉnh. Đoàn chuyên gia Liên Xô sang, sau khi khảo sát kết luận: Chỉ có xưởng trường (vừa được Liên Xô trang bị) và Thư viện là 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn, còn các mặt khác, trường phải phán đấu rất nhiều. Biết thư viện tỉnh giúp trường tổ chức thư viện, đồng chí chuyên gia Hiệu trưởng đã đến cảm ơn Thư viện tỉnh và xin đăng ký làm bạn đọc của thư viện. Đúng thứ Bẩy hàng tuần, ông đến Thư viện tỉnh mượn và trả sách đều đặn. Cuối những năm 80, Liên Xô cải tổ rồi tan rã, sách tiếng Nga không nhập về nữa, còn sách tiếng Anh, không có kinh phí bổ sung. Thư viện tỉnh đã nghiên cứu để có sự điều chỉnh hợp lý.

4. Tìm tòi nghiên cứu khoa học trong hoạt động địa chí.

Thực ra vào những năm 80 của thế kỷ XX, hoạt động địa chí ở Thư viện tỉnh chưa có hướng đi cụ thể. Nhờ nghiên cứu khoa học mà công tác địa chí ở thư viện Nam Định mới có hiệu quả. Hồi ấy các thư viện tỉnh chỉ biết biên soạn thư mục địa chí tổng quát. Sang thư viên Thái Bình thăm quan, được biết thư viện Thái Bình đã soạn xong Thư mục Địa chí tổng quát Thái Bình tập 1, nhưng không có hiệu quả sử dụng. Vì không có tài liệu gốc, trong thư mục địa chí tổng quát, tài liệu chỉ ở dạng chỉ chỗ, bạn đọc không thể đến thư viện Quốc gia, thư viện Khoa học xã hội, hay Thư viện ở Viện Sử học, viện Hán Nôm để đọc tài liệu. Khi ấy, ta chưa nhập máy photocopy để sao chụp. Rất ít người quan tâm đến thư mục địa chí tổng quát. Tham quan thư viện Hà Bắc biết được đồng chí Bí thư tỉnh ủy quan tâm, nên địa chí Hà Bắc do Sở Văn hóa Thông tin chủ trì đã xuất bản. Tìm hiểu kỹ thấy những tư liệu địa chí quan trọng là do thư viện sưu tầm biên soạn. Việc tham quan nghiên cứu đã giúp thư viện Hà Nam Ninh tìm ra tiềm năng trong công tác địa chí của mình. Quê hương Hà Nam Ninh có trạng nguyên Nguyễn Hiền trẻ tuổi nhất nước. Có Trạng Lường Lương Thế Vinh giỏi cả văn thơ và tính toán. Có trường thi Nho giáo, có lớp đại tập của nhà giáo Tiến sỹ Ngô Thế Vinh, hoàng giáp Phạm Văn Nghị đã đào tạo ra thám hoa, bảng nhãn, tam nguyên cho đất nước. Nam Định nơi phát tích vương triều Trần - một triều đại phong kiến huy hoàng ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông. Xây dựng vốn tài liệu địa chí ở vùng quê văn hiến là một hoạt động nghiên cứu khoa học rất công phu, cần có những bước đi thích hợp. Nam Định còn là vùng đồng bằng bị giặc Pháp chiếm đóng, tàn phá. Chẳng những các thư viện lớn như Hy Long thư viện của Tiến sỹ Đặng Xuân Bảng không còn mà cả đến những tủ sách của các cụ đồ nho cũng bị thiêu hủy. Trên địa bàn Hà Nam Ninh không còn những bộ sách quý như Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng. Minh đô sử của Lê Trọng Hàm. Côn Đảo thi tập của Lã Xuân Oai... Những cuốn tỉnh chí của Nguyễn Ôn Ngọc, của Khiếu Năng Tĩnh, của Ngô Giáp Đậu, cán bộ thư viện chỉ biết tên mà không được nhìn thấy. Có những cuốn như: Trà Lũ xã chí thì chỉ sưu tầm được bản dịch chép tay trên trang vở học sinh đã hoen ố. Trước bao khó khăn, cán bộ thư viện không chịu bó tay. Người thì đi học thêm Hán- Nôm, người học công nghệ thông tin rồi tìm kiếm khai thác tư liệu địa chí theo 3 tiêu chí: nhân vật chí, địa danh chí, sự kiện chí. Theo 3 hướng ấy nhiều tài liệu được thư viện sọan ra để phục vụ bạn đọc. Thư viện đã soạn thảo đề cương Địa chí Hà Nam Ninh, trình lên Sở Văn hoá Thông tin gồm 4 phần với 80 chương, nhưng không được triển khai. Năm 1997, nhà xuất bản Văn học đã in cuốn: "Lược khảo tác gia văn học Nam Định" của thư viện. Thư viện soạn tiếp bộ tài liệu: "Các nhà khoa bảng Nam Định". Nhiều bạn đọc đã tìm đến các tài liệu địa chí do thư viện biên soạn. Phần địa danh cũng được thư viện thống kê thành bộ tài liệu khá đấy đủ về những thay đổi của tên làng, xã, tổng, huyện, phủ tỉnh Nam Định trải qua các giai đoạn lịch sử. Tài liệu địa chí Nam Định còn được cán bộ thư viện trích đăng tải trên các tạp chí, sách báo của Trung ương và địa phương. Một thời gian dài thư viện đã cộng tác với báo Nam Định trong mục "Mảnh đất con  người Nam Định" để phục vụ bạn đọc rộng rãi.

5. Thư viện tỉnh Nam Định tích cực tham gia các hội thảo, hội nghị khoa học

Khi thư viện được thông báo có hội thảo, hội nghị khoa học trên địa bàn Nam Định. Thư viện tỉnh đã soạn những bản thư mục để phục vụ việc tìm hiểu nghiên cứu những đề tài khoa học. Nhiều Thư mục được tìm đọc rộng rãi như thư mục "Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến" nhân 150 năm ngày sinh - phục vụ hội thảo khoa học về Nguyễn Khuyến. Thư mục "Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn trên quê hương Nam Định" phục vụ hội thảo khoa học Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn nhân 700 năm ngày mất của Hưng Đạo vương. Thư mục "Mẫu Liễu Hạnh và hội Phủ Dầy" phục vụ hội thảo quốc tế về mẫu Liễu Hạnh và hội Phủ Dầy.

6. Thư viện Nam Định tham gia viết bài nghiên cứu cho các hội thảo khoa học, tiến tới làm chủ các đề tài nghiên cứu khoa học.

Qua các bộ tài liệu, các thư mục và các bài viết của cán bộ thư viện vị thế thư viện tỉnh Nam Định được nâng cao. Thư viện được mời tham gia viết bài nghiên cứu cho đề tài khoa học ở hội thảo khoa học nhân 700 năm ngày mất của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn của Viện Khoa học lịch sử quân sự Việt Nam - Viện Sử học phối hợp với tỉnh Nam Định. Thư viện tham gia hội thảo khoa học "Trần Văn Giáp nhà thư viện thư mục học Việt Nam” ở Hải Dương. Giám đốc thư viện được lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin trao trách nhiệm làm thư ký Hội đồng Khoa học Sở Văn hóa Thông tin. Cán bộ thư viện đã tích cực tham gia viết nhiều bài nghiên cứu khoa học, giúp Sở VH - TT hoàn thành xuất sắc đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Danh nhân văn hóa Nam Định". Tiếp theo là chuyên đề "Danh nhân Văn  hóa Nam Định thế kỷ XX  được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh". Những công trình nghiên cứu này đã được xuất bản thành sách để phục vụ bạn đọc. Năm 2001, Sở VH - TT giao cho thư viện làm chủ đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh : "Nghiên cứu đặc điểm hệ thống tác giả Hán - Nôm Nam Định thế kỷ X - thế kỷ XX". Đề tài được thư viện hoàn thành xuất sắc. Hội đồng nghiệm thu khoa học đã thẩm định bỏ phiếu kết luận đề tài nghiên cứu của thư viện đạt loại xuất sắc. Giám đốc Thư viện tỉnh chủ nhiệm đề tài do có thành tích tham gia nghiên cứu khoa học từ thời sinh viên nên được Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp khoa học. ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen cho thư viện Nam Định đã góp phần vào thành tích để nhà nước tặng huân chương lao động cho Thư viện tỉnh Nam Định.

Nghiên cứu khoa học và phục vụ nghiên cứu khoa học là con đường khó khăn gian khổ nhưng vinh quang. Hoạt động nghiên cứu khoa học giúp cho cán bộ thư viện vững vàng vươn lên, làm cho vị thế của thư viện được xã hội khẳng định. Nghiên cứu khoa học con đường đang mở rộng cho cán bộ thư viện nhất là trong công nghệ thông tin bởi ngày nay chúng ta đang sống trong xã hội thông tin. Một xã hội ngày càng phát triển về mọi mặt.

Thạc sĩ  Hoàng Dương Chương
(Nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh Nam Định)

Hỗ trợ
Liên kết web :
Đang online : 45
Hôm nay : 3007
Tháng hiện tại : 134048
Tổng lượt truy cập : 1703643
http://huyenbi.net/Xem-ngay-tot-xau.html