Về lệ khai ấn đền Trần
                        Cử nhân Trần Mỹ Giống;  Nhà nghiên cứu Hán Nôm Dương Văn Vượng

                                                   (Bộ môn NGPB Hội VHNT Nam Định)

     Lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) diễn ra có quy mô tổ chức từ vài chục năm gần đây vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm đã thu hút hàng vạn người về dự. Những người về dự lễ khai ấn không chỉ là dân thường mà còn có rất đông quan chức các ngành các cấp từ trung ương xuống địa phương. Ảnh hưởng của khai ấn đền Trần Nam Định như một phản xạ dây truyền kéo theo nhiều nơi khác cũng tiến hành khai ấn và bán ấn như đền Trần ở Hưng Hà (Thái Bình), đền Trần Thương (Hà Nam)... Khai ấn đền Trần là một sinh hoạt tâm linh có ảnh hưởng lớn trong đời sống tinh thần của nhân dân cả nước nói chung và Nam Định nói riêng. Đó là một thực tế không thể phủ nhận.
     Chúng tôi không bàn về ý nghĩa của lễ khai ấn, cũng không bàn về việc dẹp bỏ hay duy trì lệ khai ấn như dư luận qua hàng nghìn bài báo phản ánh. Các bài báo khen chê rất trái ngược nhau, trong đó có ý kiến của các nhà khoa học rất đáng được chú ý. Vấn đề mà chúng tôi nêu trong bài viết này chỉ giới hạn lệ khai ấn có thực là của thời Trần hay không, hầu góp thêm một ý kiến mong các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ một vấn đề quan trọng thuộc nội dung đề tài “Dấu ấn văn hóa thời Trần với cộng đồng dân cư Nam Định.”
     Theo thiển ý của chúng tôi, một sự vật, hiện tượng nào đó trong một thời kỳ nào đó muốn để lại được dấu ấn cho đời sau thì điều tiên quyết là bản thân nó phải có thực trong thời kỳ đó. Nếu bản thân sự kiện, hiện tượng không diễn ra trong thời kỳ đó mà ta cứ áp đặt hiện tượng, sự vật trong đời sau là dấu ấn của nó thì chúng ta đã bóp méo lịch sử.
     Về lệ khai ấn đền Trần Nam Định, đã có một số tác giả viết bài nhận định nó diễn ra từ thời Trần, bắt nguồn từ việc sau khi đánh thắng quân Nguyên - Mông, vua Trần thiết triều ở Tức Mặc - Thiên Trường để thưởng công, ban tước. Nếu đúng như vậy thì không có gì phải bàn cãi, lệ khai ấn là có thật ở thời Trần. Nhưng rất tiếc những tác giả này lại không đưa ra một chứng cứ nào chứng minh điều nhận định của mình là xác đáng để bạn đọc tin tưởng. Điều đáng ngờ nhận định này là ở chỗ: thường thì việc xét công ban thưởng phải diễn ra ở kinh thành, cụ thể thời Trần là kinh thành Thăng Long, sao lại có chuyện xét công ban thưởng ở Thiên Trường? Chúng tôi cũng không tìm thấy cuốn sử nào viết nhà Trần, sau khi chiến thắng Nguyên Mông đã xét công ban thưởng ở Thiên Trường. Như thế, nhận định nêu trên là không đủ cơ sở thuyết phục.
     Chúng tôi đã bỏ nhiều thời gian tra cứu, nhưng không tìm thấy một bộ chính sử nào của nước ta chép việc nhà Trần có lệ khai ấn đền Trần (Nam Định).
     Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học VN) trong bài “Có hay không tục “Khai ấn đền Trần”đăng trên trang wet http://hn.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/co-hay-khong-tuc-khai-an-den-tran-c46a358596.html và nhiều báo điện tử khác, khẳng định: “Không hề có chuyện nguồn gốc của lễ khai ấn bắt nguồn từ việc sau khi đánh thắng quân Nguyên - Mông, vua Trần thiết triều ở Tức Mặc - Thiên Trường để thưởng công, ban tước như nhiều ý kiến. Việc đó sử chép là diễn ra ở Thăng Long”. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên còn viết một loạt bài “Lễ khai ấn đền Trần - một xuyên tạc lịch sử” nói rõ trong thư tịch cổ không hề chép gì về cái gọi là “lễ khai ấn đền Trần”.
      Chính sử có chép: vua Trần Anh Tông từng ban tước hơi nhiều cho các quan trong triều. Thượng hoàng Nhân Tông biết được sai lấy sổ xem rồi ghi vào trong đó rằng: “Sao lại có một nước bé bằng bàn tay mà phong quan tước nhiều như thế?” Từ đó vua Trần Anh Tông lại càng thận trọng khi ban chức tước. Xem như thế, rất khó có chuyện vua Trần tổ chức lệ khai ấn đền Trần.
       Trong cuốn sách “Ấn chương Việt Nam”, các ấn bằng gỗ ở nhiều đền thờ đức thánh Trần được phân loại là ấn tín trong lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng. Cuối đời lui về Kiếp Bạc, Hưng Đạo vương có tu theo Đạo giáo và sau khi mất đã hiển thánh cho nên các đền và điện thờ đức thánh Trần và việc hành nghề đạo sĩ phải có con dấu của đức thánh Trần để đóng trên bùa chú, các bùa - sớ cho tăng tính linh thiêng. Như vậy, ấn đức Thánh Trần dùng trong sinh hoạt tôn giáo chứ không có chuyện khai ấn thưởng công ban tước trong chính quyền.
       Trong bản thảo bài viết “Tìm hiểu lệ khai ấn...” của Nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang lúc sinh thời nói rõ có hai loại lễ khai ấn: 
- Một là khai ấn “Sắc mệnh chi bảo” của nhà vua dùng cho các quan trước và sau kỳ nghỉ tết hàng năm từ 26 tháng Chạp đến 6 tháng Giêng. Phải chăng ấn “Trần triều quốc bảo” mà ngành văn hóa Nam Định phát hiện gần đây chính là loại ấn thuộc loại ấn “Sắc mệnh chi bảo”.
- Hai là khai ấn “Trần miếu tự điển” nghĩa là ấn điển thờ ở miếu nhà Trần vào Rằm tháng Giêng hàng năm dành cho nhân dân đi lễ đầu năm, xin tờ điệp có dấu “Trần miếu tự điển” đem về treo ở nhà trừ tà ma, cầu bình an khỏe mạnh, mọi việc như ý. Một thời gian dài Nam Định đã dùng ấn “Trần miếu tự điển” trong lễ khai ấn đền Trần.
      Tuy nhiên nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang cũng không đưa ra được cơ sở nào cho bài viết của mình.
       Còn các nhà nghiên cứu chuyên ngành ở địa phương nói gì về lệ khai ấn đền Trần? Tháng 7 năm 2009 diễn ra cuộc hội thảo khoa học “Lễ khai ấn đầu xuân tại đền Trần Nam Định - giá trị và giải pháp bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc” do Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định tổ chức. Trong số các bài tham luận của hội thảo, chúng tôi chú ý tới một vài tham luận đề cập đến tục lệ khai ấn đền Trần của các nhà nghiên cứu địa phương.
      Nhà nghiên cứu Phạm Văn Huyên (trưởng phòng nghiệp vụ Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nam Định, hiện là Phó Giám đốc) với bài tham luận “Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần với lễ tục khai ấn đầu xuân” cho biết ý nghĩa ban đầu của lễ tục khai ấn là mở đầu cho ngày làm việc của một năm mới, song không đưa ra được bằng chứng văn bản tin cậy nào để thuyết phục rằng thời Trần có lễ tục khai ấn.
       Nhà nghiên cứu Trần Đăng Ngọc (phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Nam Định, nguyên giám đốc bảo táng tỉnh Nam Định) trong tham luận “Lễ khai ấn ở đền Trần Nam Định” viết: “Theo các cố lão ở địa phương cũng như truyền thuyết dân gian thì trước đây vào thời Trần, hằng năm cứ vào ngày 15 tháng chạp cơ quan hành chính các cấp nghỉ ăn tết, mãi đến rằm tháng giêng năm sau mới trở lại làm việc bình thường. Ngày làm việc đầu tiên trong năm hết sức quan trọng nên được triều đình tổ chức rất trọng thể. Các dấu ấn đã niêm phong cất đi nghỉ ăn tết, nay được lấy ra lau chùi sạch sẽ. Triều đình tổ chức lễ cáo trời đất, sau đó nhà vua sẽ đóng con dấu đầu tiên để mở đầu cho một năm làm việc và mong cho mọi sự tốt lành...” Nhà nghiên cứu Trần Đăng Ngọc còn miêu tả quá trình hành lễ khai ấn đền Trần khá chi tiết. Tuy nhiên, ông cũng không đưa ra được những nguồn tư liệu lịch sử đáng tin cậy mà chỉ dựa theo lời kể của các cụ cố lão, cao niên hiện nay (như nêu trên).
       Chúng tôi được biết, theo ông Nguyễn Văn Thư (Giám đốc bảo tàng tỉnh Nam Định) và ông Nguyễn Xuân Cao (Chuyên viên Hán Nôm Bảo tàng Nam Định) thì: Lịch sử, nguồn gốc lễ khai ấn chưa rõ bắt đầu từ thời gian nào, không có sử sách nào ghi chép mà chỉ tương truyền trong dân gian là có từ thời Trần Thái Tông khi về yết lễ tại tiên miếu và ban thưởng cho nhân dân.
       Như vậy, ý kiến của các nhà nghiên cứu địa phương đều không trích dẫn được nguồn gốc lịch sử cũng như tài liệu chính sử hay dã sử ghi chép về lễ hội này, mà chỉ căn cứ vào ý kiến của các cụ cao niên hoặc tương truyền trong dân gian. Còn các nhà nghiên cứu cấp trung ương thì không có mấy ai đề cập trực tiếp đến lệ khai ấn đền Trần, nếu có thì cũng chung chung và cũng phải thừa nhận là không có cơ sở chắc chắn.
        Chúng tôi có suy nghĩ như sau: Lễ hội khai ấn đền Trần hiện nay là một sinh hoạt tâm linh có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội là một thực tế không ai có thể phủ nhận được. Đã trở thành lễ hội tâm linh của nhân dân thì không một thế lực nào trong xã hội có thể áp đặt theo ý mình được, càng không thể cấm đoán nó. Càng cấm đoán, áp đặt thì sức sống của nó càng mãnh liệt. Việc cấm mở lễ hội Phủ Dày trước đây chẳng phải là bài học đắt giá cho chính quyền, cho các nhà lãnh đạo văn hóa đó sao? Rất có thể việc cấm nhân dân tôn thờ lệ này thì họ sẽ tìm đến một sinh hoạt lệ khác, thậm chí là tôn thờ vật chứng của kẻ thù dân tộc trong lịch sử. Bởi đây là nhu cầu tâm linh không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân. Do vậy, chúng tôi ủng hộ quan điểm cần duy trì lệ khai ấn đền Trần, có điều là phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, có sự dẫn dắt sáng suốt của các nhà lãnh đạo văn hóa, sao cho hoạt động diễn ra an toàn, phù hợp thuần phong mỹ tục, truyền thống của nhân dânViệt Nam.
        Trong bài viết này chúng tôi xin cung cấp một tư liệu liên quan đến nguồn gốc khai ấn thời Trần góp vào đề tài nghiên cứu. Trong khi sưu tầm tài liệu để biên soạn cuốn “1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Thiên Trường: Thơ” do Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định xuất bản năm 2010, chúng tôi có phát hiện bài thơ của Đỗ Hựu có nội dung nói về lễ khai ấn đền Trần. Theo các tài liệu địa chí và đăng khoa lục thì Đỗ Hựu sinh năm 1441, không rõ năm mất, quê xã Đại Nhiễm (thời Trần là xã Văn Tập), huyện Ý Yên nay thuộc xã Yên Bình, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức 9(1478) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến Lại bộ Tả Thị lang, từng đi sứ nhà Minh và có công chiêu dân khai hoang vùng đất ven sông Hát. Ông có tác phẩm “Sơn thủy hành ca”. Bài thơ của ông nói về lệ khai ấn đền Trần mà chúng tôi tìm thấy trong “Nam châu vịnh tập” như sau:

十四夜觀開印會
曾聞昔日有陳王
即墨猶留族祖堂
萬頃栘來田地廣
康村定宅孝和彰
展誠以祭前魚廟
開印惟祈後克昌
天下如今誰對此
斯民斯邑望恩長

Phiên âm :   

THẬP TỨ DẠ QUAN KHAI ẤN HỘI
Tằng văn tích nhật hữu Trần vư­ơng
Tức Mặc do l­ưu tộc tổ đ­ường
Vạn Khoảnh di lai điền địa quảng
Khang thôn định trạch hiếu hoà chư­ơng
Triển thành dĩ tế tiền ngự miếu
Khai ấn duy kỳ hậu khắc xư­ơng
Thiên hạ như­ kim thùy đối thử
Tư dân t­ư ấp vọng ân trư­ờng.

 Dịch nghĩa :  

TỐI MƯỜI BỐN ĐI THĂM HỘI KHAI ẤN
Từng nghe rằng ngày tr­ước vua Trần
Ở đất Tức Mặc có đền thờ tổ
Ban đầu dời tới Vạn Khoảnh(1) đất đai rộng rãi,
Sang Khang thôn, lấy sự hiếu với mẹ cha, hoà cùng anh em c­ư trú.
Từ ấy tỏ lòng thành kính hằng năm tế tại Ngư­ miếu;
Và khai ấn để cầu sự tốt lành cho lớp t­ương lai(2)
Nay trong thiên hạ, nơi nào sánh đ­ược
Thế là dân làng sở tại mãi mãi nhờ ơn to lớn.

 Dịch thơ:   

Từng nghe ngày tr­ước Trần v­ương
Tức Mặc còn có tổ đ­ường nơi đây
Dời về Vạn Khoảnh đất này
Khang thôn định trạch thảo ngay hoà hài
Lòng thành tế cá hôm mai
Khai ấn cầu vọng lâu dài yên vui
Đến nay đâu sánh ở đời
Dân thôn mãi mãi bày lời tạ ơn.

               (D­ương Văn V­ượng dịch)

 (1)  Vạn Khoảnh: Nhà Trần vốn gốc ở Ch­ương Châu mang họ Dư­ơng, dời đến Yên Tử vẫn thế, về Vạn Khoảnh vẫn ch­ưa đổi, sau sang Khang Kiện, vì bất hoà nên mới chia ra. Chi họ Dư­ơng dời sang lập làng Dương Xá (nay là xã Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình) chi ở lại lấy họ Trần, nay là Tức Mặc - Mỹ Lộc- Nam Định.
(2) Lệ này t­ương truyền là lệ vốn có của tộc đảng chốn quê của họ Trần. Thiên hạ không thấy có lệ ấy.
      Theo bài thơ trên của Tiến sĩ Đỗ Hựu ở thế kỷ 15 thì lệ khai ấn đền Trần tương truyền là lệ vốn có của tộc Trần,  vào thời kỳ tác giả sống lễ khai ấn tại tộc miếu của nhà Trần vẫn còn diễn ra. Có lẽ từ lệ riêng của tộc Trần về sau phát triển thành lệ chung của nhân dân. Bài thơ tuy là sáng tác văn học nhưng những điều phản ánh trong tác phẩm lại là điều tai nghe mắt thấy nên rất đáng tin. Như vậy, lệ khai ấn thời Trần không phải thời Nguyễn (Minh Mệnh) hay về sau này mới nghe, mà đã được tương truyền từ thế kỷ 15 mà bài thơ của Đỗ Hựu là một minh chứng rõ ràng. Theo chúng tôi được biết thì hiện tới thời điểm này, chưa có một tác giả nào đưa ra được chứng cứ xác thực về lệ khai ấn đền Trần sớm và thuyết phục hơn bài thơ của Tiến sĩ Đỗ Hựu. Chúng tôi nêu ra bài thơ này góp thêm một chứng cứ về dấu ấn văn hóa thời Trần trong cộng đồng Nam Định qua lệ khai ấn đền Trần ở thành phố Nam Định hiện nay, hy vọng các nhà nghiên cứu và các nhà chức trách xem xét phát hiện chứng cứ chứng minh lệ khai ấn đền Trần có thực từ thời Trần để duy trì một lễ hội tâm linh lớn của nhân dân.

                                                                                         TMG - DVV

Hỗ trợ
Liên kết web :
Đang online : 27
Hôm nay : 7999
Tháng hiện tại : 120114
Tổng lượt truy cập : 1689709
http://huyenbi.net/Xem-ngay-tot-xau.html